Trường ĐH Sư phạm Hà Nội vừa công bố việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023. Kết quả thi của kỳ thi sẽ được các trường sư phạm và các trường ĐH khác sử dụng để tuyển sinh ĐH.
Hôm nay 19.1, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã thông báo kế hoạch tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023.
Mục đích của kỳ thi là để đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, gia tăng cơ hội trúng tuyển và phân loại tốt hơn năng lực của các thí sinh, để nhà trường tuyển chọn được sinh viên phù hợp vào học một số khối ngành, nhóm ngành đào tạo trình độ ĐH hệ chính quy.
Kỳ thi còn cung cấp kết quả thi để các trường ĐH làm căn cứ ở các mức độ khác nhau xét tuyển sinh ĐH chính quy.
Nhà trường sẽ tổ chức thi đánh giá năng lực cho 8 môn thi, gồm: toán, văn, tiếng Anh, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý. Thí sinh có nhu cầu dự thi không cần phải thi tất cả 8 môn, mà lựa chọn đăng ký thi những môn mà mình có nhu cầu dự thi để sử dụng kết quả thi đăng ký dự tuyển vào các ngành đào tạo ĐH chính quy theo yêu cầu của mỗi trường ĐH.
Toán, lý, hóa, sinh đều có phần tự luận
Nội dung các bài thi tương ứng và phù hợp với nội dung các môn học, môn thi cấp THPT mà học sinh đã quen thuộc; thí sinh làm bài thi trực tiếp trên giấy.
Đề thi có kết hợp trắc nghiệm và tự luận với tỷ lệ điểm phù hợp tùy theo bài thi, bao gồm các câu hỏi đánh giá mức độ thông hiểu kiến thức cốt lõi và năng lực lập luận, phân tích, đánh giá, giải quyết vấn đề. Các câu hỏi có nội dung thuộc chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, được giảng dạy ở trường THPT theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.
Theo đề án tổ chức kỳ thi của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đề thi không có câu hỏi mức độ nhận biết do đề thi tốt nghiệp THPT đã đánh giá được năng lực của học sinh ở mức độ nhận biết (định nghĩa, nhận dạng, liệt kê…).
Cấu trúc các bài thi và thời gian làm bài cụ thể như sau:
![]() |
Nhà trường tổ chức biên soạn, thẩm định, tinh chỉnh, phản biện và phê duyệt đề thi theo quy trình xây dựng mới và bảo mật tuyệt đối theo quy chế của Bộ GD-ĐT và Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Đề thi được biên soạn từ bộ câu hỏi nguồn, bám sát “ma trận” đề, phù hợp với nội dung, hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông của Bộ GD-ĐT, bao gồm phần tự luận và phần trắc nghiệm (4 lựa chọn, trong đó có 1 lựa chọn đúng). Thí sinh làm phần trắc nghiệm trên phiếu trả lời trắc nghiệm và làm phần tự luận trên tờ giấy thi riêng do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội quy định.
Tổ chức thi đồng thời tại Hà Nội và Quy Nhơn
Thời gian thi đã được ấn định vào ngày 6.5 (thứ 7); cả 8 môn được tổ chức trong một ngày với nhiều ca thi, trong đó các môn lý và hóa sẽ trùng ca thi với sử và địa. Riêng bài thi môn tiếng Anh được tổ chức 2 ca khác nhau để tạo cơ hội cho tất cả thí sinh có thể tham dự.
Trường sẽ tổ chức thi đồng thời tại 2 địa điểm: Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (136 Xuân Thủy, P.Dịch Vọng, Q.Cầu Giấy, Hà Nội); Trường ĐH Quy Nhơn (170 An Dương Vương, P.Nguyễn Văn Cừ, TP.Quy Nhơn, Bình Định). Thí sinh được lựa chọn đăng ký dự thi 1 trong 2 nơi.